Từ Ngã ba Khiêm Ích ( điểm giao nhau giữa đường 15A - Đồng Lộc và đường đi từ thị trấn Nghèn), cách Ngã Ba Đồng Lộc chừng 400 m có một cây cầu nhỏ, nếu không để mắt thì rất dễ lướt qua. Đó là cầu Tối. Không rõ từ đâu có cái tên này nhưng chuyện về 2 liệt sĩ Lê Đăng Dương và Phan Anh Tài thì những nguời từng chiến đấu ở Đồng Lộc không dễ gì quên được.
Cầu Tối (Ảnh: Sỹ Ngọ)
Chị Nguyễn Thị Lân - Đại đội trưởng C557 nhớ lại: tháng 5-1968 là giai đoạn cao điểm ác liệ. Tổng đội 55 quyết định cho đại đội 557 về trực tiếp đảm bảo giao thông từ Eo Truông Kén đến Cầu Tối. Khi đại đội về, cả Đồng Lộc tan hoang, huỷ hoại vì không lúc nào ngớt bom. Đại đội trưởng quyế định đưa một tổ về phá bom, mở đường. Hai anh Lê Đăng Dương và Phan Anh Tài sau khi đã được dũng sĩ Vương Đình Nhỏ huấn luyện cách phá bom liền xung phong. Cầu Tối lúc đó nằm trên một cái mương nhỏ, chảy ngang con đường hẹp. Cầu dài chỉ khoảng 3 m. Một quả bom to nằm ngay cạnh cầu. Nếu không phá được nó, xe chạy qua tất sẽ nổ bị tung. Được học cách phá bom từ Vương Đình Nhỏ, cả 2 anh quyết tâm mày mò để phá nổ quả bom, mở đường máu cho xe qua. Thật không may, quả bom đã nổ và xác 2 anh đã tan ra từng mảnh. đồng đội quá xót thương đã gom nhặt từng mảnh thi thể của 2 người lẫn trong đất đá, đem về mai táng. Cầu Tối lúc đó thông được xe, nhưng 2 anh thì không còn. Mỗi nắm đất xung quanh chân cầu đều có máu thịt của 2 liệt sĩ Dương- Tài.
Chị Thái Thị Cương - Tổng đội phó Tổng đội 55 nghẹn ngào kể: ” Phan Văn Tài và Lê Đăng Dương đều là những chàng trai vô tư, yêu đời, mặc dầu cảnh đời của Phan Văn Tài khá buồn. Cha mẹ anh đã chết. Tài khoẻ mạnh và chưa có vợ con gì. Đêm đó, trước lúc đi phá bom, Tài có vẻ bồn chồn không ngủ được. Sáng mai thì chị nghe tin Tài hy sinh. Thật tội nghiệp! Đồng đội chỉ nhặt được thi thể bằng một mo cau đem về mai táng”. Thương tiếc và cảm phục lòng dũng cảm của 2 liệt sĩ, đồng đội đã đặt tên cho Cầu Tối là cầu Dương Tài.
|