Vào những ngày tháng 7 này cả nước đang hướng về một sự kiện lịch sử
diễn ra từ 40 năm về trước, ngày đau thương cũng rất đỗi tự hào của dân tộc Việt
Nam chúng ta, ngày hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng
Lộc, Hà Tĩnh, nơi trọng điểm bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ.
Sự kiện Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh đã đi vào lịch sử hào hùng của
dân tộc Việt Nam như một địa danh huyền thoại, là tượng đài về ý chí sắt đá và
sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái trẻ cũng như lực lượng thanh niên xung phong
trong cả nước. Ngã ba Đồng Lộc nằm trên tuyến đường trọng điểm của đường mòn Hồ
Chí Minh. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10-1968, không quân
địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại.
Chiều 24-7-1968, Tiểu đội 4 thanh niên xung phong được lệnh san
lấp hố bom sửa chữa đường, kết hợp sửa chữa hầm trú ẩn, khơi sâu rãnh thoát nước
ở đoạn đường độc đạo để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Bất ngờ tốp máy bay
phản lực quay lại bay từ trong ra thả một loạt bom rơi đúng vào đội hình 10 cô
gái. Cả 10 cô gái trẻ ấy đã hy sinh. Ghi sâu tội ác và tôn vinh chiến tích của
10 cô gái tại trọng điểm lịch sử này, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh
hùng cho 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc và xây dựng Tượng đài chiến thắng
tưởng niệm 10 cô gái.
Cạnh Ngã ba Đồng Lộc, còn có một quả đồi, giờ đây được
đặt tên là đồi La Thị Tám, để ghi nhận hành động dũng cảm của một cô gái, may
mắn còn sống sau những ngày chiến tranh khốc liệt, đó là nữ anh hùng La Thị Tám.
Đã có nhiều bài viết cảm động về những cô gái tại ngã ba huyền thoại này, bài
viết này xin cung cấp cho bạn đọc thêm một thông tin: Bác Hồ đã biết tới hành
động dũng cảm của các cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc và một trong số các cô gái đó
đã được Bác tặng huy hiệu của Người.
Sinh thời, Bác Hồ luôn theo dõi cuộc đấu tranh anh dũng của nhân
dân ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Sống giữa thủ đô Hà Nội, nhưng tâm trí
của Người vẫn hướng về những nơi ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Những năm
bom đạn Mỹ rải khắp miền Nam, miền Bắc, có một địa điểm cũng được Người hết sức
quan tâm, đó là vùng đất khu Bốn. Những bài báo viết về tinh thần dũng cảm của
quân và dân ta được Người rất chú ý. Và bài viết về o thanh niên xung phong dũng
cảm La Thị Tám là một trong hàng nghìn bài viết được Bác Hồ đọc và giao cho Văn
phòng cắt dán. 40 năm đã qua, đọc lại những bài báo viết về những tấm gương anh
hùng dũng cảm, những tấm gương người tốt, việc tốt, mà theo năm tháng giấy đã
chuyển màu, nhưng dấu ấn của Người vẫn còn tươi màu mực, đó là dòng chữ Tg 1hh,
đó là ký hiệu của Bác, có nghĩa là: Thưởng 1 huy hiệu.
Bài báo viết về tấm gương anh hùng La Thị Tám, đăng trong mục:
Nhân dân anh hùng, Quân đội anh hùng (có lẽ của Báo Quân đội nhân dân, năm 1968,
bài báo được cắt dán lên mặt sau của tờ bản tin của VNTTX, năm 1968, hiện được
lưu giữ tại Kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh) mãi mãi không chỉ là một minh chứng
cho lòng quả cảm của một thế hệ Việt Nam anh hùng, còn là một biểu hiện sinh
động của sự quan tâm, động viên kịp thời của Bác Hồ đối với những tấm gương anh
hùng, dũng cảm của quân và dân ta.
Nguyên văn bài báo như sau:
O TÁM GAN DẠ
Năm 1968, ngã ba X. ở Hà Tĩnh trở thành một trọng điểm địch đánh
phá suốt ngày đêm. Để nhanh chóng phá những quả bom nổ chậm và kịp thời ứng cứu
mặt đường, ban chỉ huy bảo đảm giao thông cần một người dũng cảm làm nhiệm vụ
trinh sát bom. Biết chắc làm việc này rất nguy hiểm, nhưng La Thị Tám xung phong
nhận ngay, không do dự. Tám là đoàn viên thanh niên lao động, là em của hai
người anh đang chiến đấu ở chiến trường xa.
Vị trí quan sát là một đỉnh đồi nhỏ giữa trọng điểm địch đánh
phá. Mỗi ngày hai lần. Tám vượt qua bãi bom lên đồi quan sát. Hơn 100 ngày như
thế, dấu chân Tám in thành vệt mòn vắt qua bãi bom nổ chậm. Nắng tháng 6 cùng
với gió tây làm quả đồi nóng như lửa. Dưới làn bom đạn địch, Tám đứng đây từ tờ
mờ sáng đến tối mịt để đếm từng quả bom khi địch đến đánh phá. Rất nhiều lần
địch bắn và ném bom ngay xuống quả đồi. Nhưng dù nguy hiểm, Tám cũng không chịu
rời vị trí, vì đây là nơi quan sát tốt nhất. Từ trên đỉnh đồi, Tám thấy rất rõ
tội ác của giặc Mỹ hằng ngày. Chúng giội bom xuống mặt đường, xuống làng mạc.
Lòng căm giận sôi lên. Tám đếm từng quả bom như tính từng tội ác của giặc
Mỹ.
Sau mỗi trận đánh. Tám rời đỉnh đồi, chạy xuống vùng Ngã ba,
tính khối lượng đất và cắm tiêu. Nhiều lúc vừa xuống tới bãi thì địch quay trở
lại. Có lúc chúng ném đủ các loại bom nổ ngay, nổ chậm, bom bi, bắn cả đạn 20 ly
vào ngay nơi Tám vừa tới. Đất đá ở đây rắn lại và sắc như mảnh bom. Thế mà mỗi
ngày, 3 hay 4 lần Tám đi suốt một vòng khu vực Ngã ba để làm nhiệm vụ. Lúc đầu
chưa quen, Tám mới dám vào gần cách bom 5 mét. Thấy như thế vẫn chưa tốt, Tám
nghĩ thà chết một mình nhưng bảo đảm an toàn cho hàng chục người làm nhiệm vụ:
Tám vào sát bom, cắm tiêu trên hút quả bom như cắm cờ trên đồn địch. Những quả
bom bi bị vùi lấp hoặc chui xuống đất, Tám cũng tìm bằng được. Hàng mấy chục lần
bom nổ gần, đất đá vùi lấp cả người, nhưng Tám lại đứng dậy làm nhiệm vụ. Theo
quy định Tám chỉ cần cắm tiêu những quả bom gần đường, nhưng sợ có người đi vào
những vùng nguy hiểm, nên nhiều lúc Tám cắm tiêu cả trên những quả bom ở xa.
Những ngày cắm tiêu nhiều bom, chạy nhiều lần về nhà say nắng, Tám không ăn được
cơm. Nhưng sáng hôm sau Tám lại vượt bãi bom lên đồi quan sát cả ngày. Suốt 130
ngày làm nhiệm vụ trinh sát ở ngã ba X. và cầu T., Tám đã vào tận nơi cắm tiêu
"khai tử" cho 700 quả bom của giặc Mỹ, góp phần quan trọng vào việc giải phóng
đường và thông xe.
Người con gái giao thông ở xã V. (Hà Tĩnh) ấy được nhân dân xung
quanh ngã ba X. khâm phục và đặt cho cái tên thân mật là "O Tám gan dạ".
VNTTX
Những thông tin trong bài viết này chắc chắn là rất chính xác,
vì được viết ngay vào thời điểm lúc đó. Dù rằng trong bài viết tên địa điểm đã
được viết tắt để giữ bí mật, nhưng chúng ta đều hiểu rằng, Ngã ba X. chính là
ngã ba Đồng Lộc. Người con gái gan dạ La Thị Tám năm 1969 đã được Chủ tịch nước
phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhạc sĩ Doãn Nho kể: Ngã ba Đồng Lộc, đau thương mà kiêu hãnh.
Người lính nào đi qua đây cũng rưng rưng xúc động và nó để lại ấn tượng mạnh mẽ
đối với người nghệ sĩ. Bởi vậy, đã có nhiều bài hát nổi tiếng ra đời lấy cảm
hứng từ vùng đất này như Chào em cô gái Lam Hồng, Cô gái mở đường...
Từ những cảm xúc về vùng đất anh hùng này, bài hát Người con gái
sông La, lấy nguyên mẫu từ nữ anh hùng La Thị Tám của Nhạc sĩ Doãn Nho cũng được
ra đời như vậy.
Người con gái sông La Đôi mắt trong tựa ngọc Đôi giọt nước sông
La Thương như trời quê ta...
Em dõi theo từng ngày Đếm từng loạt bom rơi Cho bom nổ bên tai Em
vẫn đứng giữa trời!
Ơ.... em vừa mười tám tròn Đẹp như xuân sang Em người chiến thắng sức
mạnh bạo tàn Đạp lên cái chết, dáng em hiên ngang Ơi người con Xô
Viết...
Quân thù xéo nát đất này từng ngày Mà em đứng đó, tóc xanh tung bay Em
là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam"
Chị La Thị Tám nghe được bài hát này vào một buổi sáng mùa đông
năm 1970. Và chị đã khóc vì xúc động. Sau này, chị kể lại: "Tôi nhận ra đó là
tập thể, là đồng đội của mình, những người con gái khu Bốn vốn kiên cường, bất
khuất. Tôi chỉ thay mặt họ "xuất đầu lộ diện” một tí thôi!”
Theo Báo Nhân dân, ngày 10-7-2008, Lễ kỷ niệm 40 năm huyền thoại
Ngã ba Đồng Lộc sẽ được tổ chức từ 16 đến 24-7-2008 bằng một chương trình hoành
tráng, tôn nghiêm. Lễ kỷ niệm cũng là ngày hội dành cho lực lượng thanh niên
xung phong 40 năm về trước cùng hội ngộ nhớ về một thời máu lửa của dân tộc.
Xây dựng lại đồi La Thị Tám - Đồng Lộc cũng là một hoạt động
trọng tâm của Lễ kỷ niệm.
Chúng tôi chưa được đến Ngã ba Đồng Lộc, chỉ được biết đến
địa điểm lịch sử này cũng với những cái tên La Thị Tám, Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc,
Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường, Hà
Thị Xanh, Trần Thị Rạng, Võ Thị Hà, qua những bài báo, bài hát, những thước
phim, mà thấy vô cùng xúc động. Hy vọng rằng có một dịp nào được ghé thăm Tượng
đài kỷ niệm 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, để được tận mắt chứng kiến Ngã ba huyền
thoại, được thắp hương cho các chị và một lần nói lời cảm ơn các chị và biết bao
người đã ngã xuống vì cuộc sống bình yên cho dân tộc hôm nay.
|