Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc do Trường Đại
học Kiến trúc Hà Nội thiết kế, Cục di sản, Hội đồng khoa học, Bộ Văn hóa Thể
thao và Du lịch thẩm định, có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của nhiều nhà văn
hóa, nhà kiến trúc, nhà sử học, nhà nghiên cứu tâm linh của cả nước và ý kiến
đóng góp của nhân dân. Công trình có số tiền đầu tư 24 tỷ đồng,
100% là đóng góp công đức của các tổ chức, doanh nghiệp cùng nhân dân cả nước,
kiều bào ta ở nước ngoài. Công trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tỉnh
ủy, UBND Tỉnh Hà Tĩnh, Báo Đầu tư, Quỹ tấm lòng vàng Báo Lao động phối hợp tổ
chức, phát động, quyên góp. Riêng phần chiếu sáng nghệ thuật của tháp chuông
trị giá gần 10 tỷ đồng do Đảng bộ và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công đức. Tháp chuông được khởi công xây dựng vào
ngày 26/3/2009 và khánh thành vào ngày 02/1/2011, nhân dịp chào mừng Đại hội
Đại biểu Toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc là công trình
tri ân của thế hệ hôm nay với các bậc cha anh và các Anh hùng liệt sỹ đã ngã
xuống vì độc lập của dân tộc; Là công trình văn hóa tâm linh để lại giá trị lâu
dài cho quê hương, đất nước. Cũng là công trình nhằm giáo dục truyền thống yêu
nước, cách mạng, nhân văn, bồi đắp đạo lý “uống
nước nhớ nguồn” cho đồng bào và thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. ·
Ý tưởng kiến trúc nghệ thuật của tháp chuông. Công trình tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc vừa mang
tính dân tộc vừa mang tính hiện đại, hài hòa với quy hoạch và cảnh quan chung
của Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, được tọa lạc trên đồi Mũi Mác. Tháp cao 37m, gồm 7 tầng, 8 mái, hình bát
giác đều, kết hợp, khai thác theo hình thức đài tháp và lầu vọng cảnh truyền
thống, được cách tân ở phần thân tháp. Tầng trên cùng của tháp treo quả chuông
nặng 5,7 tấn, cao 3,6m, đường kính 1,95m, đúc bằng đồng nguyên khối. Hệ thống
đèn chiếu sáng gồm 356 bộ đèn được lắp đặt bao phủ cả trong tháp và ngoài tháp
từ tầng 1 đến tầng 7, với ánh sáng lung linh huyền ảo, có tầm xa nhiều km. ·
Ý tưởng chính của tháp chuông. Tháp cao sừng sững, vững chải, là biểu
tượng công đức cao dày của tổ tiên, tinh thần chiến đấu hy sinh cao cả của các
thế hệ cha anh đi trước và của các Anh hùng liệt sỹ TNXP toàn quốc, các Anh
hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc và là biểu tượng cho tinh thần ý chí
quyết tâm vươn lên để xây dựng quê hương đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Tháp chuông có chức năng kết nối năng lượng
vũ trụ với mảnh đất thiêng Đồng Lộc. Chuông là kỷ vật vô giá cho mọi thế hệ. Âm thanh huyền diệu của tiếng chông ngân
vang, sẽ làm chuyển hóa lòng người, con người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản,
trí tuệ được tăng trưởng vào một con đường chí tâm duy nhất, mang lại lợi ích
cho mình cũng như cho người trong từng khoảnh khắc hiện tại của cuộc sống vô
thường. Tiếng chuông vút cao, vang xa giữa lồng
lộng đất trời vọng về những năm tháng hào hùng của dân tộc, với ký ức của một
Ngã ba huyền thoại trong cuộc chiến đấu giữ nước một thời. Tiếng chuông là biểu tượng của khát vọng hòa bình và độc lập dân tộc, cầu mong thế giới
này sẽ không có chiến tranh. Tiếng chuông ngân vang, ngân xa, giao thoa giữa
đất và trời, giữa âm và dương, giữa những người đang sống với những người đã hy
sinh cho Tổ quốc. Tiếng chuông tựa như tơ lòng kéo hiện tại và quá khứ, thúc
dục, kêu gọi trong tâm khảm chúng ta niềm tiếc thương vô hạn với các liệt sỹ,
niềm kiêu hãnh với các bậc tiền bối cha ông, giục giã chúng ta sống thật tốt để
đóng góp cho sự nghiệp “Công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước”, tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
|