TIN TỨC Bản in
 
Bài học lịch sử qua bức thư của chị Võ Thị Tần
Tin đăng ngày: 1/9/2016 - Xem: 5257

    48 năm đã trôi qua, 48 năm ngày Đồng Lộc chiến thắng, biết bao đổi thay trong tiến trình phát triển của dân tộc. Giờ đây, Ngã ba Đồng Lộc trở thành nơi giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và đồng bào cả nước, những bài học lịch sử tại mảnh đất linh thiêng này vẫn còn vẹn nguyên giá trị không chỉ cho hôm nay mà còn mãi về sau. Một trong số đó là bức thư của chị Võ Thị Tần – Tiểu đội trưởng tiểu đội 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Chất thép, sự lạc quan yêu đời, niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng cách mạng của Đảng là bài học cho lớp lớp thanh niên học tập và noi theo.

           Upload

    Ngày 19 tháng 7 năm 1968 chị chắp bút viết thư gủi về cho mẹ, đây là giai đoạn địch đánh phá ác liệt nhất tại chảo lửa túi bom Ngã ba Đồng Lộc. Ngày cao điểm 103 lần bay, với gần 1.000 quả bom các loại mà địch đã trút xuống, cả mặt đất bị biến dạng, bom chồng lên bom, không có một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi, Ngã ba Đồng Lộc đã ghi dấu ấn khốc liệt về sự hủy diệt đối với một con đường chiến lược mang tên Trường sơn. Gian khổ, ác liệt là vậy, khi sự sống và cái chết luôn kề cận trong gang tấc, nhưng với chị Tần chỉ là “ở đây vui lắm mẹ ạ”. Đúng như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng viết “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, như trong một lời văn “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, hay nụ cười rạng rỡ của anh lính trẻ tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị... Tuổi trẻ và nhân dân Việt Nam, những cựu binh Mỹ cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đã phải ngỡ ngàng và thán phục trước sức sống mãnh liệt của nhật ký Đặng Thùy Trâm hay của anh lính binh nhì Nguyễn Văn Thạc, chính họ cùng với biết bao con người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình để giành lại nền độc lập, tự do cho đất nước, cho dân tộc, tất cả cộng hưởng lên những giai điệu tự hào, bất chấp đạn bom của quân thù để đi đến thắng lợi vinh quang. Họ đã sống và chiến đấu, đã hy sinh một cách “giản dị mà bình tâm”, đó là những hình ảnh của những con người “làm nên đất nước muôn đời”, đó là một dòng chảy lịch sử có giá trị nhân văn cao cả và thiêng liêng, góp phần to lớn trong việc giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng, lý tưởng sống cho thế hệ trẻ và nhân dân cả nước, để nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới hiểu rõ hơn về sức mạnh của con người Việt Nam.                                                                                                                                                                                                   Ngã ba Đồng Lộc năm 1968

    Chị Võ Thị Tần sinh năm 1944, tại xã Thiên Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh, sinh ra trên một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, chị lớn lên trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, chính lẽ đó đã hun đúc trong chị sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Năm 1963-1964 chị là Phó bí thư chi đoàn địa phương, năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc chị gia nhập lực lượng TNXP. Ngày nhập ngũ chị được vào C552 – P18 Hà Tĩnh bảo vệ thông suốt các tuyến đường ra trận. Với nhiều thành tích trong công tác và anh dũng trong chiến đấu, ngày 3-2-1967 chị Võ Thị Tần được chuẩn y và kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam, tổ chức phân công chị làm Tiểu đội trưởng tiểu đội 4-C552 chốt tại trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc. 16h, ngày 24 tháng 7 năm 1968 chị Võ Thị Tần cùng 9 đồng đội đã chiến đấu và hy sinh anh dũng tại mãnh đất linh thiêng Ngã ba Đồng Lộc, viết lên một câu chuyện huyền thoại về 10 cô gái TNXP anh hùng.

    Bức thư của chị Tần viết gửi về cho mẹ năm ngày trước lúc chị hy sinh chứa đựng trong đó là giá trị nhân văn cao cả, có sức lan tỏa lớn. Có lẽ khi đọc lên không ai không xúc động, cảm phục và tự hào. Một cô gái với trình độ lớp 5 sao lại viết được một bức thư có giá trị lớn và xúc động đến như vậy, lời văn đầy chất thép “Mẹ ơi! chiều nay chúng con lại thắng thằng mỹ một keo nữa” hay “chúng có mắt cũng như mù, chính lúc đó là lúc đoạn đường đang được nối liền bằng tất cả tâm hồn và trí lực của chúng con”, những cô gái của chúng ta vẫn hiên ngang, ngẩng cao đầu trong tư thế của người chiến thắng, bom đạn đối với họ lúc ấy không có ý nghĩa gì. Có lẽ không phải nói quá, nhưng ở Ngã ba Đồng Lộc là nơi diễn ra nhiều nhất những cái vẫy tay tạm biệt, mỗi một chuyến xe qua là một lần các cô gái TNXP vẫy tay chào các chiến sỹ lái xe dũng cảm, chị viết “Trời sẩm tối, những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại lăn bánh ra tiền tuyến, chúng con vui sướng vẫy chào những chiến sỹ lái xe anh dũng”, trong cái vẫy tay ấy có hẹn một ngày trở lại, đi đi những đoàn quân, đi đi kẻo chiến trường đang mong ngóng, đi đi và mang theo hình ảnh Ngã ba Đồng Lộc trong tim, một ngày còn có giặc Mỹ thì còn có Ngã ba Đồng Lộc hiên ngang đánh Mỹ, một ngày miền Nam chưa giải phóng thì còn có Ngã ba Đồng Lộc quyết tâm bám trụ để thông đường cho xe hướng thẳng vào Nam. Chất thép, niềm lạc quan yêu đời được đẩy lên cao trào qua đoạn bức thư “Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện, bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không có thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con”. Giữa chiến trường luôn phải đối mặt giữa sự sống và cái chết, nhưng chúng ta thấy hết tinh thần chiến đấu của những cô gái trẻ ở Ngã ba Đồng Lộc, các cô TNXP vẫn sống hồn nhiên vô tư đến lạ kỳ, dường như qua câu chữ, chúng ta thấy sự lạc quan, hóm hỉnh trong cách dùng hình ảnh của chị. Cứ vào ban đêm địch thả pháo sáng rọi xuống để thả bom mà các chị coi đó là những chiếc đèn lớn trong đêm giúp các chị làm đường, ban ngày máy bay ném bom xuống giết cá để chị em cải thiện, cùng với sự khẳng định đầy chất thép bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không có thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con. Những cô gái TNXP thời bấy giờ họ đã sống như thế, họ đã sống xứng đáng với Tổ quốc của họ “tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”, “sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Với bao khó khăn, vất vả, thiếu thốn giữa núi rừng Trường sơn, nhưng các chị, các anh vẫn kiên định với lý tưởng cách mạng, hăng say lao động, chiến đấu và một lòng tin tưởng con thuyền cách mạng sẽ cập bến bờ vinh quang. Càng tin tưởng, càng hăng say lao động và chiến đấu, sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần, với phương châm “chiến trường đi chẳng tiếc trời xanh”. Theo tiếng gọi của non sông, cả dân tộc Việt Nam “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, một giai đoạn lịch sử hào hùng, vẽ vang của dân tộc để làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân 1975.

    Cuộc chiến càng ác liệt thì người chiến sỹ càng can đảm, cái chết càng dễ dàng thì người chiến sỹ càng coi thường cái chết, đó quả là một điều nghịch lý, nhưng ở cuộc chiến tranh Việt Nam đó là một điều hết sức bình thường, chị Tần viết “thằng mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ  kiên cường này”. Lời nói và hành động của con người thời đại đó đều như thế, cái chết và hành động của họ đều như thế, tất cả, tất cả đã làm nên một huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc.

    Trong bức thư của chị Tần chúng ta thấy không chỉ có chất thép, niềm lạc quan cách mạng, mà ở chị còn là sự yêu đời, say mê ca hát “Mẹ ơi! Thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt, nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới, cuốn sổ tay mẹ gửi cho con dạo nọ đã gần hết rồi, mẹ nhớ gửi thêm cho con ít giấy”. Dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, những con người nơi đây vẫn sống vui vẻ, yêu đời đến lạ kỳ, cho dù sự sống và cái chết không có ranh giới, cho dù có những ngày không có gạo tiếp tế, dù biết bao dịch bệnh vì điều kiện sống thiếu thốn mang lại, đặc biệt đối với người phụ nữ khổ sở, vất vả vô cùng, nhưng tại nơi đây tiếng hát của các cô gái TNXP vẫn vang lên, tiếng hát vừa để minh chứng cho sự sống, vừa để quyên đi những hy sinh, mất mát, vừa để vượt qua muôn vàn khó khăn, làm họ thêm yêu đời và tự hào về quê hương đất nước. Tinh thần lạc quan đã làm nên sức mạnh trong mỗi con người, niềm tin chiến thắng như một sợi dây xuyên suốt cuộc chiến gian khổ để tạo nên ý chí, duy trì sức mạnh bền bỉ của con người.

    Không chỉ dừng lại ở đó, bên trong người con gái ấy còn là một tình thương bao la dành cho người mẹ thành kính “Mẹ! mới về thăm mẹ đó mà sao con thấy nhớ mẹ quá, con mong mẹ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”. Tình mẫu tử thật thiêng liêng và cao quý, chị Tần cũng như bao TNXP khác không thể ở bên mẹ để chăm sóc cho mẹ. Họ thấy có lỗi, nhưng trái tim của họ đã hướng về Tổ quốc, họ đã phải gác lại tình cảm gia đình, làng xóm.

       Upload

    Bức thư của chị Võ Thị Tần gửi mẹ đó không đơn thuần là của cá nhân chị, mà nó thể hiện sức sống của cả thế hệ TNXP đi trước. Họ vừa mang hành trang của tuổi trẻ đó là sức khỏe, lòng tự tin và họ mang cả lý tưởng trên những đôi vai của mình. Họ đã sống, chiến đấu để nối liền những con đường, góp phần cho đất nước được thống nhất. Thế hệ trẻ hôm nay thật tự hào về một thế hệ thanh niên Việt Nam “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, họ đã hiến trọn tuổi thanh xuân, xương máu vì nền độc lập tự do của dân tộc.

    Qua bức thư cho chúng ta thấy chị Tần viết về cho mẹ mà như viết cho cả một dân tộc, viết cho cả thế hệ đang chiến đấu, cho cả thế hệ mai sau, có ai đó ví đây vừa như một lời tuyên thệ của những người lính thời bão lửa, xếp sau lưng là cả gia đình thân thương để dâng hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc. Nếu có một lần về với Ngã ba Đồng Lộc, bạn nhớ mang theo một chiếc bút và một cuốn sổ nhỏ để ghi lại những gì mà thế hệ thanh niên thời chống mỹ đã nghĩ và làm, hãy mang về để kể cho bạn bè, cũng như mọi người thân thuộc của mình nghe, rằng ở Ngã ba Đồng Lộc đã có những con người như thế.

    Bức thư của chị Võ Thị Tần là bài học lịch sử có giá trị, nhắc nhở, giáo dục thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào hãy vững tin vào lý tưởng cách mạng của Đảng, kiên định với mục tiêu Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội, không lung lay, xao động trước các thế lực thù địch, các âm mưu diễn biến hòa bình. Xây dựng cho bản thân một lập trường chính trị vững vàng, không ngừng học tập, rèn luyện, xây hoài bão lớn để chung tay xây dựng đất nước ngày càng phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với những gì mà các thế hệ cha anh đã để lại.

                                                                               Phan Công Lệ

 

 
Tin tức khác:
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (4/5/2024)
Ngày đầu nghỉ lễ, gần 5.000 lượt du khách tri ân tại Ngã ba Đồng Lộc (28/4/2024)
Lượng khách thăm viếng, dâng hương tăng đột biến trong quý 1-2024 (19/4/2024)
Đèn bão của Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam (09/4/2024)
2 điểm đến nổi tiếng ở Can Lộc đón gần 206 ngàn lượt khách (30/3/2024)
Phó Thủ tướng Chính phủ dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (23/3/2024)
Đoàn Đại biểu tham dự Ngày hội Thiếu nhi vui khoẻ năm 2024 dâng hương tại Khu tưởng niệm Anh hùng Lý Tự Trọng và Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (17/3/2024)
Ký ức về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại qua hình ảnh cách đây 33 năm (17/3/2024)
Ngã ba Đồng Lộc - nẻo về tri ân 10 nữ Liệt sỹ Thanh niên xung phong (8/3/2024)
Hương bồ kết ở Ngã ba Đồng Lộc (30/1/2024)
Lãnh đạo Hà Tĩnh dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (1/2/2024)
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc (6/2/2024)
Giáo dục truyền thống tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (16/2/2024)
Đông đảo du khách về thăm 10 nữ anh hùng liệt sĩ tại Đồng Lộc (4/3/2024)
Du khách đến dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc ngày đầu xuân năm mới (10/2/2024)
 
Video Clips - Bài hát
Liên kết Website
Hỗ trợ trực tuyến

Hotline - 02.393.844.010

Hotline - 0914.905.969
Truy cập hôm nay: 176
Tất cả: 9954434
 
  Giới thiệu l Tin tức l Mười cô gái Đồng Lộc l Hạng mục di tích l Chiến công l Tấm lòng vàng l Trang thơ l Bài hát l Phim l Liên hệ | Diễn đàn
  Ban quản lý khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
Địa chỉ: Thị trấn Đồng Lộc - huyện Can Lộc - tỉnh Hà Tĩnh
Email: ngabadongloc.vn@gmail.com - Website: http://ngabadongloc.org.vn
Điện thoại liên hệ: 02393.844.010 - Fax: 02393.844.010 - Hotline phản ánh chất lượng phục vụ: 0914.905.969