Từng tốt nghiệp 2 trường đại học, có công việc ổn định ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), tình cờ Đào Anh Tuân chuyển sang làm... hướng dẫn viên của Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc-Hà Tĩnh.
|
Đào Anh Tuân đang thuyết minh cho khách tham quan |
Chính sự tri ân, và biết ơn những nữ liệt sĩ trẻ tuổi đã gắn bó Tuân với mảnh đất này.
Trắng trẻo và thư sinh, Đào Anh Tuân trẻ trung so với tuổi 30. Ở người thanh niên ấy, có sức hút kỳ lạ từ giọng nói cho đến những cử chỉ, ánh mắt.
Hàng nghìn đoàn khách du lịch tới Đồng Lộc vào mỗi năm, có người đã 3-4 lần nghe Tuân thuyết minh nhưng không ai giấu nổi sự xúc động mỗi khi Tuân cất giọng nghẹn ngào kể về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc hay những dòng tâm sự của tiểu đội trưởng Võ Thị Tần qua những dòng nhật ký.
Lời tâm tình của chị Tần thật xúc động: “Mẹ ơi, ở đây chúng con vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng thắp đèn cho chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con.
Mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này. Mẹ ơi, dạo này địch bắn phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được những bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ gửi cho con dạo nào đã gần hết giấy rồi.
Mẹ nhớ gửi thêm cây bút nữa nhé. Mới về thăm mẹ đó mà con thấy nhớ mẹ quá. Con mong mẹ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều...”.
Tốt nghiệp Học viện Ngân hàng và chuyên ngành Quản lý văn hóa quần chúng (ĐH Văn hóa), Tuân làm công tác văn hóa ở huyện Can Lộc. Năm 1999, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh gọi về phân công phụ trách mảng kế toán đồng thời làm quản lý cho Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Tuân kể: “Lúc ấy, có hai con đường: Một là làm kế toán với công việc nhàn hạ, thu nhập cao hơn và hai là làm theo chuyên môn, vất vả hơn nhiều” và Tuân đã quyết định đi theo con đường thứ 2 vì xác định sẽ cống hiến được nhiều hơn.
Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi là đoàn thứ 4 đến khu di tích này. Ngày đông nhất Tuân thuyết minh cho 10 đoàn, những hôm như vậy công việc kéo dài suốt từ 6 giờ sáng tới 7 giờ tối, buổi trưa chỉ kịp... uống nước rồi lại thuyết trình.
Ngày mới về nhận công tác, Tuân được giao xây dựng nội dung giới thiệu cho khách tham quan. Và ý tưởng của Tuân đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy duyệt.
Tuân cho biết, đó là 4 nội dung được sử dụng tại khu di tích này suốt từ năm 2000 đến nay: 1 - Nói về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh ở Ngã ba Đồng Lộc và sức mạnh của thế hệ trẻ, tính dân tộc để chúng ta đánh thắng đế quốc sừng sỏ nhất trên thế giới;
2- Lực lượng thanh niên xung phong cả nước hiến trọn tuổi thanh xuân của mình giữ đường đảm bảo chi viện cho chiến trường;
3-Sự hy sinh của 10 cô gái;
4-Truyền thống lực lượng thanh niên xung phong toàn quốc và của Ngã ba Đồng Lộc.
Để làm được điều đó, Tuân đọc tư liệu, viết từng câu sao cho chính xác, xúc động và diễn tả tình cảm một cách chân thành nhất. Khối lượng công việc lớn lại đòi hỏi hiểu biết sâu sắc, ngoài sự tìm tòi, điều thôi thúc Tuân làm được công việc đó trên hết là sự say mê là lòng biết ơn chân thành với sự hy sinh của 10 cô gái trẻ.
“Những ngày đầu làm hướng dẫn, mình thường xuyên...khóc vì không nén nổi xúc động. Nhưng khi ấy, lời mình nói không được rõ ràng và về sau phải cố gắng kìm nén, chuyển những giọt nước mắt thành lời sao cho lữ khách cảm nhận được sự xúc động ấy” - Tuân nói.
30 tuổi, chàng trai Trưởng phòng Chuyên môn và nghiệp vụ Đào Anh Tuân vẫn mải mê với công việc. Tuân cho biết: “Đã có nhiều lời mời chào nhưng mình không thể đi bất cứ đâu vì nếu một ngày có ý nghĩ rời xa là mình thấy thật có lỗi với Đồng Lộc”.
|