TIN TỨC - TIN TỨC VIỆT NAM Bản in
 
‘Trốn vợ’ đi tìm hài cốt đồng đội
Tin đăng ngày: 13/7/2005 - Xem: 5701
 
Ông Nguyễn Đức Phổ sắp lại chiếc bát và đôi đũa - kỷ vật của đồng đội - rồi trân trọng đặt lên bàn thờ gia tiên. Ảnh: H.K.

Mỗi năm đôi ba lần, góp nhặt được chút tiền, ông lại xuôi tàu vào Nam Trung Bộ. Có lần ông dắt về một bé gái, hồ hởi khoe rằng con của đồng đội. Vợ giận vì ông trốn nhà, giờ lại có con riêng. Khi biết chồng đi tìm hài cốt đồng đội, bà quay ra giận mình và động viên ông… cứ tiếp tục “trốn”.

Người đàn ông liên tục “trốn” vợ con ấy là Nguyễn Đức Phổ, thương binh 4/4, ở thôn Hạ, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. 13 năm nay, dù 2 viên đạn bên tay trái và vết thương chân phải liên tục hành, ông vẫn lặn lội khắp các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên để tìm hài cốt đồng đội, những người đã chiến đấu cùng ông suốt từ năm 1968 đến 1974.

Từ kỷ vật chiến trường

Thắp một nén nhang, cẩn thận đặt chiếc bát hoa và đôi đũa mun đen bóng cho đúng vị trí trung tâm của bàn thờ gia tiên, ông Phổ hạ thấp giọng: “Tôi đi tìm hài cốt liệt sĩ cũng xuất phát từ cái bát hoa và đôi đũa này”. Nói xong, ông lặng lẽ mở tủ, lấy ra một xếp thư đã ngả màu và một cuốn sổ lưu niệm nhỏ bằng bàn tay, nhưng nay chỉ còn lại vài trang.

Run run lật giở từng trang giấy ố vàng, giọng ông trở lên xa xăm. Năm 1968, anh công nhân Công ty máy kéo Hà Tây Nguyễn Đức Phổ xung phong vào bộ đội. Nhìn nét chữ thanh thoát trong lá đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu, tiểu đoàn trưởng phân công cho anh làm văn thư của đơn vị Bộ đội chủ lực tỉnh Hà Tây, chuyên ghi chép quân số, các trường hợp hy sinh. Sau này, khi vào tăng cường cho tỉnh Phú Yên (D96), anh được giao giữ mạng thông tin liên lạc và vẫn giữ thói quen ghi chép.

Trong đơn vị, nhóm 5 chàng trai trẻ từ quê Hà Tây, Hà Nam vào gồm Nguyễn Đức Phổ, Hoàng Xuân Trị, Kiều Xuân Tẩy, Nguyễn Quang Trinh và Nguyễn Phi Hùng rất thân nhau. Họ chia sẻ từng lá thư của gia đình, từng bài thơ tình lãng mạn và cả nỗi đau thắt lòng khi một đồng đội hy sinh mà chưa kịp ăn bữa cơm chiều. “Chết mà đói thì tội lắm. 5 anh em tôi nhờ mua một chiếc bát và đôi đũa thờ. Cứ đến bữa là lại xới cơm để lên chiếc bàn thờ dựng tạm trong chiến hào để mời các anh về ăn và mong các anh phù hộ cho mình”.

5 chàng trai cùng chiến đấu bảo vệ mảnh đất Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ngày ấy cũng cam kết với nhau, nếu người nào còn sống thì bằng mọi giá phải mang đôi đũa và chiếc bát về báo tin cho gia đình. Chiến tranh ác liệt, ta và địch giành nhau từng mét đất, sự sống quá đỗi mong manh. 4 trong số 5 chàng trai lần lượt hy sinh. Còn Nguyễn Đức Phổ, sau 3 lần bị thương, đến năm 1974 thì được trả về Công ty máy kéo Hà Tây với tỷ lệ thương tật 36%. Anh cũng gánh luôn trọng trách mang kỷ vật về thông báo cho gia đình của 4 liệt sĩ.

Cuộc sống sau chiến tranh khó trăm bề, vợ yếu, con thơ, 2 viên đạn nằm trong cánh tay trái liên tục giở chứng, nhưng ông Nguyễn Đức Phổ cho rằng vẫn không thể sánh bằng nỗi khổ tâm, day dứt khi chưa thực hiện được hứa với đồng đội. “Ngày ngày nhìn chiếc bát và đôi đũa trên bàn thờ, giở lại sổ ghi chép cá nhân, các kỷ niệm một thời lại ùa về và lại oán trách mình. Có đêm rấm rứt khóc thầm. Tôi định mang bát và đũa đến từng gia đình, nhưng thấy kỳ quá. Suy đi tính lại, phải mang được hài cốt các anh về”, ông Phổ nhớ lại.

Đến lời nguyện hứa với đồng đội

Năm 1993, ông Phổ dùng khoản tiền 1 triệu đồng tích cóp trong mấy năm để trở lại chiến trường xưa. Đến nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác, thị xã Tuy Hòa, ông Phổ thất vọng bởi toàn mộ vô danh, không thấy tên tuổi liệt sĩ ngoài Bắc. “Mình còn sống, nhưng anh em đến nắm xương cũng không biết nơi nào”, từ trăn trở đó, ông cùng tiểu đoàn trưởng và chính trị viên năm xưa là Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Hữu Diêu nung nấu quyết tâm đi tìm mộ liệt sĩ.

Từ cuốn sổ nhật ký của ông Phổ, đối chiếu với sổ ghi chép của tiểu đoàn D96, các ông Phổ, Khánh, Diêu lặn lội khắp nơi để dò tìm hài cốt đồng đội. Công việc này chẳng hề đơn giản vì sau hòa bình, đất rừng thay đổi.

Sự kiên trì của ông Phổ cùng đồng đội cuối cùng đã cho kết quả. Lần lượt 4 hài cốt của nhóm bạn năm xưa đã được tìm thấy và được đưa về quê an táng vào năm 1995. “Lời hẹn ước đã thực hiện xong, lẽ ra mình có thể hài lòng. Nhưng tôi vẫn không thấy thanh thản vì trong cuốn sổ ghi chép tới hơn 200 trường hợp hy sinh. 4 hài cốt tìm thấy là quá ít ỏi”, ông tâm sự. Từ đó, chẳng ai nhờ vả, song năm nào cũng vậy, ông cứ ngược xuôi Bắc - Trung để tìm hài cốt liệt sĩ.

Có nhiều kỷ niệm ông mãi không quên. Đó là khi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Mại, người cùng xã Phù Lưu Tế, hy sinh trên đường vào quân khu 5. Ông đã ròng rã một tháng rưỡi trong rừng đại ngàn Quảng Nam, nơi một bản nhỏ tên A Tép ẩn mình. “Đi bộ từ trung tâm huyện đến bản đó phải mất một ngày rưỡi. Cứ vạch cây rừng mà đi, quần áo rách tả tơi, chân tay đầy vết trầy xước. Lần đó gặp lũ, nếu không có đồng bào che chở, mình cũng mất mạng rồi”, ông kể. Có lần đào mộ, lưỡi cuốc xẻng đụng vào đạn, chỉ chút xíu là phát nổ.

Trốn vợ đi tìm đồng đội

Thấy ông đi liên tục, ít thì 1 tuần, nhiều có khi đến gần 2 tháng, năm tới vài bận, người vợ ở nhà nghi ngờ chồng có vợ bé. Đặc biệt lần ông dắt cô gái nói giọng miền Trung về nhà giới thiệu là con đồng đội, nỗi nghi ngờ càng tăng lên. “Ông ấy đi suốt, lương mất sức được đồng nào lại tích cóp để mang đi. Tôi ở nhà một mình chèo chống với 3 sào dâu, gần chục sào ruộng, rồi lại nuôi 3 con nhỏ, nghĩ bực và cũng nghi lắm”, bà Nguyễn Thị Phức kể “tội” chồng.

Nhưng ngay sau đấy bà minh oan luôn: “Hóa ra đó là cô con gái của đồng đội thật. Cô bé cũng tội lắm”. Đó là con liệt sĩ Kiều Xuân Tẩy, quê Quốc Oai, Hà Tây, một trong bốn người đã hẹn ước cùng với ông Phổ. Bao năm qua, vì thiếu người làm chứng, hai mẹ con họ phải sống trong sự nghi ngờ của xóm làng vì lai lịch không rõ ràng, không được công nhận là gia đình liệt sĩ. Chỉ đến khi ông Phổ vào thì cô con gái mới biết mình có một người cha rất đáng tự hào. Dòng họ Kiều biết có thêm một người con tại đất Phú Yên.

Đến nay, ông Phổ và đồng đội đã tìm được trên 100 hài cốt liệt sĩ, trong đó xác định tên tuổi, quê quán cho 71 trường hợp. Việc ông làm hoàn toàn tự nguyện, nhiều gia đình ngỡ ngàng khi ông tìm và mang hài cốt con em họ về tận nhà. Có người "hậu tạ" ông bằng cả xấp tiền dày cộp, nhưng ông nhất mực từ chối. Niềm hạnh phúc của người đàn ông sinh năm 1947 là những giọt nước mắt "đoàn tụ" của thân nhân khi tìm ra nắm xương của liệt sĩ, là những mối quan hệ thân thiết như ruột thịt với các gia đình đồng đội sau chuyến tìm hài cốt.

Nói về công việc mà như bà Phức vợ ông vẫn đùa là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, ông Phổ cười giản dị, khuôn mặt xạm đen ánh lên nét tự hào: “Mình thấy thanh thản khi đã làm tròn bổn phận với người đã khuất”. “Và hình như mình làm để phúc đức cho con cái. 3 đứa nó học hành đến nơi đến chốn, mình thương tật thế mà cũng được 60 cái xuân xanh rồi còn gì”, cả hai vợ chồng cùng cười.

Ông bà lại bàn tính để cuối năm thu xếp cho ông trở vào miền Trung. Điều khiến ông trăn trở nhất là làm sao tìm lại tên tuổi cho các anh. "Quy tập mộ đã khó, nhưng khó gấp nhiều lần là phải trả lại tên cho liệt sĩ. Các nghĩa trang vẫn còn nhiều lắm những liệt sĩ vô danh. Tội các anh quá", đôi mắt đăm chiêu, giọng ông trùng xuống.

Hồng Khánh

 
Tin tức Việt Nam khác:
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (4/5/2024)
Ngày đầu nghỉ lễ, gần 5.000 lượt du khách tri ân tại Ngã ba Đồng Lộc (28/4/2024)
Lượng khách thăm viếng, dâng hương tăng đột biến trong quý 1-2024 (19/4/2024)
Đèn bão của Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam (09/4/2024)
2 điểm đến nổi tiếng ở Can Lộc đón gần 206 ngàn lượt khách (30/3/2024)
Phó Thủ tướng Chính phủ dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (23/3/2024)
Đoàn Đại biểu tham dự Ngày hội Thiếu nhi vui khoẻ năm 2024 dâng hương tại Khu tưởng niệm Anh hùng Lý Tự Trọng và Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (17/3/2024)
Ký ức về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại qua hình ảnh cách đây 33 năm (17/3/2024)
Ngã ba Đồng Lộc - nẻo về tri ân 10 nữ Liệt sỹ Thanh niên xung phong (8/3/2024)
Hương bồ kết ở Ngã ba Đồng Lộc (30/1/2024)
Lãnh đạo Hà Tĩnh dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (1/2/2024)
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc (6/2/2024)
Giáo dục truyền thống tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (16/2/2024)
Đông đảo du khách về thăm 10 nữ anh hùng liệt sĩ tại Đồng Lộc (4/3/2024)
Du khách đến dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc ngày đầu xuân năm mới (10/2/2024)
 
Video Clips - Bài hát
Liên kết Website
Hỗ trợ trực tuyến

Hotline - 02.393.844.010

Hotline - 0914.905.969
Truy cập hôm nay: 124
Tất cả: 9850784
 
  Giới thiệu l Tin tức l Mười cô gái Đồng Lộc l Hạng mục di tích l Chiến công l Tấm lòng vàng l Trang thơ l Bài hát l Phim l Liên hệ | Diễn đàn
  Ban quản lý khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
Địa chỉ: Thị trấn Đồng Lộc - huyện Can Lộc - tỉnh Hà Tĩnh
Email: ngabadongloc.vn@gmail.com - Website: http://ngabadongloc.org.vn
Điện thoại liên hệ: 02393.844.010 - Fax: 02393.844.010 - Hotline phản ánh chất lượng phục vụ: 0914.905.969