“Xét về thành tích phá bom thì Nguyễn Thế Chương sau Vương Đình Nhỏ, nhưng lòng gan dạ xông pha trong đạn bom vì đồng đội thì Chương thật tuyệt vời, rất xứng đáng Anh hùng nhưng cậu ấy đã chết”.
Ông Nguyễn Đình Hiến - Trưởng ban giải tỏa giao thông Ngã ba Đồng Lộc thời chống Mỹ cứu nước, đánh giá.
Tôi thưa: “Ông Nguyễn Thế Chương còn sống nhưng bị tâm thần. Lang thang, hành khất gần 30 năm. Nay được đưa về quê tại xã Thượng Lộc”.
Tôi cùng bác Hiến đến thăm người cảm tử quân năm xưa. Bác Hiến ôm chầm Nguyễn Thế Chương: “Có nhớ ai nữa không?”.
Đôi mắt đờ đẫn của ông Chương nhìn gương mặt người đối diện một lúc rồi, theo bản năng cất lên tiếng nói: “Em chào thủ trưởng”.
Hai người ôm chầm lấy nhau hồi lâu.
Trong chiến tranh bị bom vùi nhiều lần, đôi tai của ông Chương điếc đặc. Nay cần giao tiếp với người ngoài chỉ có đứa con gái út Nguyễn Thị Quỳnh, ghé miệng sát tai làm phiên dịch. Quỳnh nói như thét: “Ba có nhận ra bác ni là ai nữa không?”.
Ông Chương cũng đáp lời con như thét: “Thủ trưởng! Thủ trưởng... của ba đó. Ngày xưa chỉ huy ba phá bom ở Ngã ba Đồng Lộc với Vương Đình Nhỏ, với La Thị Tám... Mọi bữa o Tám ra đây, gặp ba, ôm lấy ba khóc”.
Cái tên Nguyễn Đình Hiến, chỉ huy ở mặt trận Ngã ba Đồng Lộc, khơi đúng mạch nguồn của cảm xúc hơn 40 năm về trước.
Ông Hiến đặt tay lên ngực mình nơi trái tim, nói với em ruột ông Chương: “Anh cứ tìm đến những người như Nguyễn Xuân Lứ, Uông Xuân Lý, Lê Văn Lúa và Hoàng Xuân Tường, mà hỏi chiến công oanh liệt của Nguyễn Thế Chương”.
|
Ông Nguyễn Đình Hiến gặp lại người chiến sỹ tưởng đã khuất... Nguyễn Thế Chương |
Cuối 1965, để ngăn sự tiếp viện từ miền Bắc cho miền Nam, máy bay Mỹ đánh sập toàn bộ hệ thống cầu cống trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn Hà Tĩnh. Thả bom phá xong, chúng ném hàng loạt bom nổ chậm nhằm ngăn ta khôi phục cầu đường.
Đội phá bom của Can Lộc được thành lập do Nguyễn Xuân Lứ làm đội trưởng và Nguyễn Thế Chương làm đội phó.
Đoạn đường từ cầu Nghèn đến cầu Già, máy bay Mỹ bắn phá thường xuyên, rất nhiều bom nổ chậm phải rà phá do Chương đảm nhiệm. Đoạn Thượng Gia - Cổ Ngựa dài khoảng 2km giữa đồng chiêm trũng biến thành vùng đầm lầy rộng lớn, hố bom chồng lên hố bom. Không đất đá, tấp bổi, tre pheo nào lấp xuể. Hạt trưởng giao thông Can Lộc Nguyễn Khôn hy sinh ở trọng điểm này.
Trong khói lửa mịt mù bom đạn và bùn lầy, Nguyễn Thế Chương lần mò đi tìm xác của thủ trưởng gói lại trong ni lông đem về chôn cất.
Mùa mưa, đường 1A bị tắc, tuyến giao thông huyết mạch vào Nam dồn lên hướng tây qua Ngã ba Đồng Lộc. Đầu năm 1968, máy bay Mỹ tập trung hủy diệt hai trọng điểm là cầu Tối và cầu Tùng Cốc nằm ở phía bắc trọng điểm này. Những chiến sỹ phá bom xuất sắc nhất trên toàn tỉnh được dồn về Đồng Lộc.
Đội cảm tử phá bom với 50 thành viên được thành lập do Vương Đình Nhỏ chỉ huy. Nguyễn Thế Chương được điều về phụ trách mũi chủ công những tuyến huyết mạch phía Bắc.
Nhiều lần có bom nổ chậm nằm sát cầu Tùng Cốc, cầu Tối làm ách tắc hàng trăm xe trên đường vào Nam. Sau lễ truy điệu sống, một mình Chương đảm nhiệm phá những quả bom này. Anh hì hục đào bới, dùng tời đưa bom lên mặt đất rồi kéo ra xa, áp thuốc nổ hủy để thông tuyến.
Hạt trưởng Nguyễn Khôn hy sinh, Hạt phó Lê Cảnh Hưng lên thay. Một hôm, ông Hưng lên họp với ban chỉ huy bảo đảm giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc. Hai ngày sau, ông Hưng vẫn chưa về. Đơn vị cho người đi tìm không thấy.
Ông Hưng đã hy sinh khi qua Bãi Dĩa. Đây là cửa tử phía nam Ngã ba Đồng Lộc, địch đánh suốt ngày đêm. Nhiều người không đủ can đảm vào đây. Nguyễn Thế Chương tình nguyện lội giữa bãi bom nổ chậm tìm kiếm và đưa xác ông Lê Cảnh Hưng về.
Theo lời kể của ông Trần Quang Đạt - nguyên Phó Chủ tịch Tỉnh Hà Tĩnh thời chống Mỹ, hè 1968, anh Lê Hoàng - thư ký Văn phòng Tỉnh ủy trên đường đi công tác vướng vào bãi bom nổ chậm hy sinh ở đường xế Truông Kén nơi máy bay Mỹ tập trung đánh Nguyễn Thế Chương xung phong xông vào nơi nguy hiểm tìm được xác Lê Hoàng...
Sao đến nỗi này
Chiều 26/7/2009, chúng tôi đưa Nguyễn Thế Chương về Ngã ba Đồng Lộc. Nhận ra cảnh sắc chiến trường cũ, ông vung tay chạy đi chạy lại, tái hiện những động tác phá bom ngày nào.
Một ông già nhận ra ân nhân cũ, chạy đến ôm chầm lấy ông Chương nghẹn ngào: “Hồi chiến tranh ở Đồng Lộc có gần 500 người bị chết vì bom đạn, trong đó có cha tôi”. Chú Chương đã xông pha đào bới tìm được xác cha tôi”.
Ông Nguyễn Thế Chương đến bên mộ mười nữ anh hùng liệt sỹ thắp hương. Đứng trước mộ mười cô, gương mặt bần thần, ông Chương ghé sát tai con gái út đi theo nói một câu gì đó rồi, vừa gọi tên từng cô, ông vừa khóc.
Chúng tôi giới thiệu vắn tắt về Nguyễn Thế Chương.
Một bà già ngoài 60 nhận ra người quen cũ đã ôm ông Chương khóc: “Trời ơi, anh Nguyễn Thế Chương à? Sao đời anh đến nông nỗi này?”. Rồi dốc hết tiền đưa cho con gái ông Chương.
Bà tự giới thiệu tên là Nguyễn Thị Liên một thời là nữ TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc, rất cảm phục anh Chương râu phá bom, hiện bà cư trú tại thị trấn Nghèn.
Đến bên hố bom mười cô gái hy sinh với phong thái khác thường, ông vung tay, chạy lui, chạy tới miệng thuyết minh lại một thời đạn bom oanh liệt và hành động hy sinh dũng cảm của mười nữ TNXP anh hùng. Nhiều người vây lại để nghe, rơi nước mắt.
Hai năm 1967 - 1968, ông Chương được bầu Chiến sỹ thi đua toàn quốc”, nhận hai huân chương chiến công, một bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Một bài báo viết về “Dũng sỹ phá bom” Nguyễn Thế Chương với thành tích rà phá 479 quả bom, kèm ảnh Nguyễn Thế Chương đang trò chuyện với một chuyên gia Liên Xô.
Chiến công phá bom và tình đồng đội của Nguyễn Thế Chương dẫu đã hơn 40 năm, nhiều cán bộ chiến sỹ thời ấy vẫn còn nhớ thuộc lòng. Còn cuộc đời lang thang hơn 30 năm hành khất của cảm tử quân Nguyễn Thế Chương, hóa ra, không nhiều người biết đến. (Còn tiếp)
|