Cùng sinh năm 1944 như chị Tần, chị Cúc, nhưng Nhỏ có một hoàn cảnh tương tự Cúc. Bố mẹ mất sớm, nhà chỉ có 2 chị em gái: chị Miên và Nhỏ. Chị Miên thay bố mẹ nuôi Nhỏ từ tấm bé. Gọi Nhỏ vì bố mẹ mất sớm, cơm không có ăn, áo không có mặc, bệnh tật hành hạ, càng ngày cô bé càng còi cọc, không lớn được chút nào. Rồi đến tuổi, chị Miên đi lấy chồng, nhưng chị không về quê chồng mà ở lại cùng em. Chồng chị là bộ đội thỉnh thoảng ghé thăm nhà. Sau khi chị sinh cháu trai đầu lòng, chồng chị hy sinh. Chị đành ở vậy nuôi em và nuôi con.
Chị Nguyễn Thị Nhỏ
Thế rồi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày một ác liệt. Nhỏ xin chị vào TNXP. Chị sợ em còn bé dại thơ ngây, chưa gánh vác nổi việc nước. Nhưng chị Miên vẫn để Nhỏ đi. Chị cho em bộ quần áo lành lặn nhất, gói cho em một nắm cơm, ròi bế con tiễn Nhỏ lên đường. Nhỏ ra đi chỉ với bộ quần áo và nắm cơm của chị. 2 chị em quyến luyến bịn rịn khi chia tay. Nhỏ ôm chầm lấy cháu. Thằng bé cũng bám chặt lấy dì. Chị Miên dặn: “ Em gắng làm việc cho bằng chị bằng em, phải cẩn thận nơi mũi tên hòn đạn. Nếu em làm sao thì chị chỉ còn một mình em thôi”. Bà con làng xóm ra tiễn đứng nhìn theo cho đến khi bóng cô khuất hẳn.
Sau một thời gian ở TNXP, Nhỏ về thảm quê. Bộ quần áo TNXP cô mặc còn nguyên nếp gấp khiến cô chững chạc hẳn lên. Chỉ một thời gian ngắn ở TNXP, Nhỏ phổng phao lên trông thấy. Khi vào TNXP Nhỏ mới thật sự bước vào tuổi dậy thì. Trên đôi má mới vương sắc máu hồng. Nhỏ ngày một xinh tươi hơn, thường lấy gương của Cúc soi trộm. Nhỏ chăm làm, xung phong gương mẫu hơn các em nên được chị Lê Thị Hồng kèm cặp để học thêm. Càng lăn lộn với thực tế của cuộc chiến đấu, Nhỏ càng thấm thía ý nghĩa tuổi thanh xuân và mong muốn đóng góp được nhiều sức lực hơn nữa để Nam Bắc sum họp một nhà.
Nhỏ ra đi vào lúc 24 tuổi, không kịp giã biệt người chị và đúa cháu nhỏ thân yêu, để lại tiếc thương cho biết bao người.
|