TIN TỨC - TIN TỨC VIỆT NAM Bản in
 
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp – Những khúc hát tri ân
Tin đăng ngày: 20/11/2009 - Xem: 6063

Có một Quỳnh Hợp dịu dàng và lắng sâu, một Quỳnh Hợp đam mê và khát khao sáng tạo đến cháy bỏng. Và ở đâu đó trong một góc sâu tâm hồn của người nữ nhạc sĩ từng là lính ấy là trọn vẹn tình yêu đồng đội. Ở mảng đề tài này, chị luôn dành trọn cảm xúc tri ân và chất chứa những miền ký ức…

Picture 267 - 350

Biết đến cái tên Quỳnh Hợp từ khá lâu và ít nhiều được nghe những bài hát của nữ nhạc sĩ này. Nhưng có lẽ, ấn tượng đầu tiên của tôi khi cảm nhận Quỳnh Hợp là ở mảng đề tài âm nhạc truyền thống cách mạng và sâu sắc nhất chính là ca khúc “Ðồng đội ơi!” của chị.

 Từ những vần thơ da diết nghĩa tình của Quang Chuyền – một nhà thơ khoác áo lính, âm nhạc Quỳnh Hợp đã chắp cánh, giai điệu đã nâng ca từ vút lên, lắng sâu và lan tỏa một miền cảm xúc. Ai đã từng đi qua chiến tranh, đã từng “súng bên súng, đầu gác bên đầu”, mới cảm nhận hết sự cao quý, thiêng liêng của tình đồng đội.

Tôi đã nghe bài hát này trong dịp cả nước kỷ niệm 50 năm Ðường Trường Sơn huyền thoại qua sự thể hiện của nhóm B.O.M trong nỗi xúc động thật khó diễn tả, đồng cảm đến từ từng nốt nhạc, từng giai điệu và cả trường liên tưởng.

 Trong từng dòng ca khúc, âm nhạc và lời thơ xoắn xuýt vào nhau, cảm xúc trào lên, tạo nên một không gian bi tráng và thanh cao. “Ðồng đội ơi! Tôi nhớ. Chiến tranh qua lâu rồi. Lòng vẫn thầm thì gọi. Ðồng đội, đồng đội ơi!…”. Trong bản nhạc, điệp khúc “Ðồng đội ơi!” qua tiếng hát của dàn đồng ca B.O.M, cứ láy đi láy lại trong giai điệu trầm hùng, da diết như xoáy vào tâm khảm, một cảm giác se lòng và ám ảnh. “Ðồng đội ơi!…”, phải chăng là tiếng gọi từ trái tim của những người đồng đội đi tìm đồng đội. Chất chứa những dồn nén, khi thời gian không thể phôi pha, cất lên tiếng gọi nhớ nhung những đồng đội hôm qua đã ngã xuống giữa lòng đất mẹ, hy sinh máu xương cho dân tộc trường tồn. Âm nhạc trong “Ðồng đội ơi!” đã dẫn dắt cảm xúc người nghe đồng hành trong một cuộc hành trình trở về quá khứ, trở về với hoài niệm…

Giai điệu trong ca khúc giản dị, không tạo nên những bứt phá như vốn có và thường có ý thức hướng tới trong âm nhạc Quỳnh Hợp. Ðiều làm nên giá trị của nó chính là sức lay động từ những nốt nhạc trầm hùng dễ đi vào lòng người ấy.

Viết một ca khúc, đối với Quỳnh Hợp, không khó, khi mà cứ hằng năm chị cho ra đời một đến vài album. Nhưng để có những “Khúc ru đồng đội” cộng cảm được nhiều người như thế, có lẽ là kết quả của sự trải nghiệm dài lâu của Quỳnh Hợp. Ðiều đó có được từ những năm tháng cô gái chốn Hà Thành lớn lên trong tiếng bom và những lần đội nón rơm lên đường sơ tán. Ðiều đó có được khi chị là ca sĩ của Ðoàn Nghệ thuật Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc hay Ðoàn Nghệ thuật Quân chủng Không quân. Ðiều đó cũng có được khi chị rời quân ngũ với quân hàm đại úy và trở thành biên tập viên âm nhạc của Ðài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh trong mười mấy năm qua.

Sự từng trải của một người lính, nhạc sĩ, nhà báo đã cho chị một tâm hồn chia sẻ và nhạy cảm với công chúng âm nhạc. Chị đã biết cách chọn sự định lượng (thuyết phục số đông công chúng) và cùng đó là định tính (giá trị của âm nhạc) cho những ca khúc và có khi là cả album của mình trong mỗi lần phát hành, vì đó chính là phẩm chất chuyên nghiệp của một nhạc sĩ làm báo…       

Quỳnh Hợp là một trong những nhạc sĩ có số lượng tác phẩm khá dày dặn với hơn 24 album đã phát hành, hai CD sắp phát hành là bộ đôi “Sắc đào Nhật Tân” với 10 ca khúc do chính chị thể hiện và “Hà Nội – ngẫu hứng phố” (10 bài) cùng với tập sách nhạc 50 ca khúc riêng tặng Hà Nội trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp tới.

Nhiều ca khúc của Quỳnh Hợp đã đoạt các giải thưởng trong nam ngoài bắc. Chị viết nhiều thể loại và cho nhiều đối tượng khác nhau. Quỳnh Hợp có thể viết cho thiếu nhi hay lứa tuổi hồng mới lớn; cũng có thể là những bản tình ca; và rất nhiều ca khúc của chị viết từ những chuyến đi đến những vùng miền trong nước. Hầu hết các tác phẩm của chị được phổ từ thơ.

Trong sáng tác, nhạc sĩ Quỳnh Hợp thường khai thác có chọn lọc chất liệu âm nhạc dân gian các vùng miền, có sự kết hợp hài hòa với nhịp điệu đương đại, tạo nên một phong cách vừa có tính truyền thống, vừa trẻ trung, hiện đại.

Chị phát hành khá nhiều album nhưng mỗi album mang một sắc thái, ít có sự lặp lại. ẩn chứa trong đó là sự gần gũi và dung dị nhưng luôn dạt dào cảm xúc của một người phụ nữ đa cảm và yêu sự tươi mới của hiện thực cuộc sống.

Trong dòng chảy không ngừng nghỉ của âm nhạc truyền thống cách mạng Việt Nam, Quỳnh Hợp đã góp vào một tiếng nói riêng, đầy nữ tính và cũng đầy cá tính. Xin tạm gọi những ca khúc đó là những tiếng nói âm nhạc mang đậm “chất lính”.

Với Quỳnh Hợp, “chất lính” đã hiện ngay ở sáng tác đầu tay của chị trong ca khúc “Em là chiến sĩ thông tin” (1981). Bài hát trong chùm ca khúc đầu tay sáu bài của Quỳnh Hợp về bộ đội thông tin đã được Ðài Truyền hình Việt Nam phát sóng, mở đầu thuận lợi và đầy hào hứng cho chị tiếp tục sáng tác. Từ đó, trong các album của chị, người nghe thấy mảng đề tài người lính được chị phản ánh khá đậm nét với nhịp điệu đầy “chất lính” nhưng không kém phần tươi mới, sinh động và gần gũi với âm nhạc đương đại.

Trong mạch cảm xúc tri ân quá khứ, tri ân đồng đội, với chùm năm album ca nhạc ra đời vào những thời điểm kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc như: “Lửa Hội Ðiện Biên”, “Cảm xúc tháng tư”, “Em là chiến sĩ thông tin”, “Khúc trầm” và “Ngã ba huyền thọai”, Quỳnh Hợp đã hát lên những khúc hát ngợi ca những trang sử hào hùng của dân tộc, những hy sinh của thế hệ đi trước và tri ân nghĩa tình những đồng đội của mình.

 ”Khúc trầm” với nhiều góc nhìn về chiến tranh với biết bao kỷ niệm và sự khốc liệt của nó, là khúc hát lắng sâu, đầy hoài niệm, tưởng tiếc và nhớ thương những người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ Quốc. Còn “Ngã ba huyền thoại” khá phong phú về ngôn ngữ và chất liệu âm nhạc là lời ngợi ca nghĩa tình, sự cảm thông và sẻ chia sâu sắc với 10 cô gái trẻ đã anh dũng hy sinh nơi Ngã ba Ðồng Lộc đạn bom khốc liệt năm nào…

Qua những tác phẩm viết về chiến tranh, về sự hy sinh, về người lính, Quỳnh Hợp muốn chuyển đến hôm nay những thông điệp lịch sử chân thực và giản dị nhưng đầy sức thuyết phục. Với tài năng âm nhạc của mình, chị đã bày tỏ và giúp thế hệ hôm nay bày tỏ lòng tri ân nghĩa tình với những người làm nên chiến thắng, những người đã góp máu xương cho cuộc sống thanh bình, hạnh phúc hôm nay. 

 
Tin tức Việt Nam khác:
Lượng khách thăm viếng, dâng hương tăng đột biến trong quý 1-2024 (19/4/2024)
Đèn bão của Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam (09/4/2024)
2 điểm đến nổi tiếng ở Can Lộc đón gần 206 ngàn lượt khách (30/3/2024)
Phó Thủ tướng Chính phủ dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (23/3/2024)
Đoàn Đại biểu tham dự Ngày hội Thiếu nhi vui khoẻ năm 2024 dâng hương tại Khu tưởng niệm Anh hùng Lý Tự Trọng và Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (17/3/2024)
Ký ức về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại qua hình ảnh cách đây 33 năm (17/3/2024)
Ngã ba Đồng Lộc - nẻo về tri ân 10 nữ Liệt sỹ Thanh niên xung phong (8/3/2024)
Hương bồ kết ở Ngã ba Đồng Lộc (30/1/2024)
Lãnh đạo Hà Tĩnh dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (1/2/2024)
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc (6/2/2024)
Giáo dục truyền thống tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (16/2/2024)
Đông đảo du khách về thăm 10 nữ anh hùng liệt sĩ tại Đồng Lộc (4/3/2024)
Du khách đến dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc ngày đầu xuân năm mới (10/2/2024)
Nhiều trải nghiệm mới khi về tri ân tại Ngã ba Đồng Lộc (8/2/2024)
NỘI QUY KHU DI TÍCH NGÃ BA ĐỒNG LỘC (4/3/2024)
 
Video Clips - Bài hát
Liên kết Website
Hỗ trợ trực tuyến

Hotline - 02.393.844.010

Hotline - 0914.905.969
Truy cập hôm nay: 3690
Tất cả: 9599399
 
  Giới thiệu l Tin tức l Mười cô gái Đồng Lộc l Hạng mục di tích l Chiến công l Tấm lòng vàng l Trang thơ l Bài hát l Phim l Liên hệ | Diễn đàn
  Ban quản lý khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
Địa chỉ: Thị trấn Đồng Lộc - huyện Can Lộc - tỉnh Hà Tĩnh
Email: ngabadongloc.vn@gmail.com - Website: http://ngabadongloc.org.vn
Điện thoại liên hệ: 02393.844.010 - Fax: 02393.844.010 - Hotline phản ánh chất lượng phục vụ: 0914.905.969